Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:
Mỗi đứa trẻ đến với thế giới này như một viên bi trong suốt tròn vành vạnh. Vì thế, để nhận biết chính mình nó phải nhờ đến môi trường xung quanh, cha mẹ, gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm… để phóng chiếu, phản ánh, tương tác tạo ra những mảng màu sắc khác nhau. Điều này giống như thể cách ánh sáng trắng đi qua lăng kính để nó nhìn thấy trong chính mình có những màu sắc khác nhau: lục, lam, đỏ, cam, tím, vàng, chàm. Những màu sắc được phản ánh ra tương tự như các bản sắc xã hội của trẻ được phản ánh trong khi tương tác với người khác, với xã hội.
Đó là khi mọi chuyện xảy ra đúng với tiến trình phát triển bình thường. Những đứa trẻ đó sẽ lớn lên với nhận thức bản sắc cá nhân và bản sắc xã hội lành mạnh, chân thực. Chúng sẽ có niềm hạnh phúc, hòa hợp trong chính bản thân và với mọi người xung quanh. Nếu việc hình thành bản sắc xã hội gặp trục trặc đứa trẻ sẽ có bản sắc xã hội méo mó, thiên lệch, nhệch nhạt, loang lổ. Thậm chí nặng nề hơn là, từ ánh sáng trắng chúng sẽ “nhốt” tất cả màu sắc của mình lại thành một “hố đen”, đó là khi hội chứng trầm cảm đã thực sự biểu hiện rõ rệt trong tâm lý của đứa trẻ.
Là cha mẹ, chúng ta nên nhận thức tầm quan trọng của bản sắc xã hội của mỗi trẻ em và hỗ trợ tốt nhất có thể trong việc hình thành bản sắc của con cái mình. Mời các bạn đọc thêm bài viết này để có những thông tin hữu ích về chủ đề này nha.
Vai trò xã hội đóng một phần quan trọng trong cách trẻ em cảm nhận về bản thân
Thời thơ ấu là một giai đoạn quan trọng để phát triển tính xã hội, đặc biệt là trong hình thành bản sắc xã hội, hoặc ý thức của một người về bản thân họ dựa vào liên kết nhóm. Đối với một số đứa trẻ, cách thức chúng cảm nhận về bản thân và bản sắc xã hội của chúng có lẽ đóng góp vào sự nhạy cảm đối với trầm cảm. Trầm cảm là một tình trạng phức tạp ảnh hưởng bởi một loạt các yếu tố, nhưng có những bằng chứng rằng yếu tố xã hội có thể đóng vai trò quan trọng.
Bản sắc xã hội là gì?
Mỗi đứa trẻ có một bản sắc xã hội, đó là cách chúng ta nhận thức các vai trò khác nhau của mình ở trong xã hội trong mối quan hệ với người khác. Cho dù đó là thông qua vị trí xã hội, văn hóa hay sắc tộc, sở thích, thành tích hay niềm tin, trẻ em đều có được cảm giác tự hào, giá trị bản thân và sự nhất quán từ bản sắc xã hội của chúng.
Khi bản sắc xã hội nhanh chóng bị thay đổi, bị đe dọa hoặc bị nghi ngờ, một đứa trẻ có thể trở nên dễ bị trầm cảm.
Những người xung quanh chúng ta
Để có một bản sắc xã hội, chúng ta cần những người xung quanh xác nhận hoặc từ chối. Để xác định là "bạn thân nhất của Kelly", Kelly phải xác nhận điều đó.
Những người xung quanh chúng ta cũng ảnh hưởng đến bản sắc xã hội và cách chúng ta cảm nhận về bản thân. Nếu một đứa trẻ rất nhút nhát và thu mình, có khả năng những đứa trẻ khác sẽ tiếp nhận những tín hiệu xã hội của đứa trẻ đó và để chúng ở yên một mình, do đó xác nhận danh tính xã hội của đứa trẻ là "nhút nhát và thu mình". Đổi lại, đứa trẻ có thể thiếu sự hài lòng trong vai trò xã hội của chúng, cảm thấy cô đơn hoặc trở nên thất vọng khi cố gắng thoát khỏi danh tính đó.
Tại sao bản sắc xã hội quan trọng
Bản sắc xã hội cho phép mọi người trở thành một phần của các nhóm và có được cảm giác thuộc về thế giới xã hội của họ. Những bản sắc này đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình hình ảnh bản thân.
Càng nhiều người đồng nhất với một nhóm cụ thể, nhóm đó càng đóng vai trò trong việc định hình cách mọi người cảm nhận về bản thân họ. Trở thành thành viên của nhóm đó trở nên quan trọng đối với cách một người coi trọng bản thân và khả năng của họ, vì vậy việc có được địa vị trong nhóm có thể giúp mọi người cảm thấy tự tin, hài lòng và được tôn trọng hơn.
Khi mọi người bị trầm cảm, họ có xu hướng trải nghiệm trốn tránh xã hội. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các yếu tố xã hội cũng có thể là nguyên nhân quan trọng của trầm cảm. Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời kỳ cô đơn là tín hiệu dự đoán về sự khởi phát của trầm cảm.
Bản sắc xã hội rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận bản thân và cách họ tương tác với người khác. Nếu mọi người có cái nhìn tích cực về danh tính của họ trong một nhóm, họ có nhiều khả năng khăng khít gắn bó với những người khác trong nhóm đó và cảm thấy những cảm xúc tích cực về bản thân họ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những lợi ích quan trọng khác của bản sắc xã hội bao gồm:
Nó giúp thúc đẩy các hành động xã hội như chăm sóc người khác trong việc nhận được hỗ trợ xã hội
Nó giúp thỏa mãn nhu cầu tâm lý về lòng tự trọng từ người khác
Nó cung cấp cho mọi người cảm giác thân thuộc trong một nhóm xã hội
Mọi người đều khác nhau
Nhưng không phải tất cả trẻ em trải qua những thay đổi hoặc đe dọa đến bản sắc xã hội của chúng sẽ trải qua trầm cảm. Thay vào đó, người ta cho rằng những người xác định mình với một số vai trò xã hội hạn chế có nhiều nguy cơ bị trầm cảm khi một vai trò bị mất đi hoặc bị đe dọa.
Ví dụ, một đứa trẻ chỉ xem mình là một cầu thủ bóng đá ngôi sao có thể cảm thấy khó chịu và cảm giác mất mát nếu chúng đột nhiên bị thương và không thể chơi bóng đá nữa. Đứa trẻ có thể mất tư cách là một vận động viên ngôi sao, dành ít thời gian hơn với đồng đội và bạn bè của chúng, và cuối cùng có thể thấy sự giảm sút lòng tự trọng của chúng, điều này mở ra cơ hội cho chứng trầm cảm.
Điều này không có nghĩa là một đứa trẻ không thể phát triển một bản sắc xã hội mới, mà nó chỉ đơn giản làm nổi bật tầm quan trọng của cách một đứa trẻ nhìn nhận bản thân trong mối quan hệ với thế giới xung quanh.
Làm thế nào để hỗ trợ con bạn phát triển lành mạnh danh tính hay bản sắc của chúng
Là cha mẹ, bạn có thể hỗ trợ vai trò xã hội của con bạn bằng cách thừa nhận những gì và ai là quan trọng đối với chúng. Cố gắng không đặt quá nhiều sự nhấn mạnh vào bất kỳ một vai trò xã hội nào. Thay vào đó, khuyến khích con cái mình thử những điều mới và khác biệt, và nhắc nhở bọn trẻ về những vai trò quan trọng khác mà chúng đóng vai trong cuộc sống, như trẻ em, cháu, anh chị em họ, học sinh, thành viên cộng đồng, người ủng hộ tuổi teen, hàng xóm, v.v.
Việc con bạn cảm thấy buồn sau khi thất vọng hoặc mất một mối quan hệ quan trọng là điều bình thường, nhưng nếu bạn nhận thấy con bạn có triệu chứng trầm cảm, hãy tìm lời khuyên từ bác sĩ nhi khoa hoặc các nhà chăm sóc sức khỏe tâm thần khác.
Dấu hiệu để cảnh giác
Một số dấu hiệu cho thấy con bạn có thể gặp vấn đề xã hội hoặc triệu chứng trầm cảm bao gồm:
Mất hứng thú với các hoạt động chúng từng yêu thích
Ngủ nhiều hay ít hơn bình thường
Gặp khó khăn khi tập trung vào việc học ở trường
Ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
Biểu hiện cảm giác buồn bã hay vô vọng
Trở nên cáu kỉnh hơn bình thường
Trở nên cô lập với bạn bè hoặc gia đình
Nếu bất kỳ triệu chứng nào trong số này đã diễn ra trong hơn hai tuần, có lẽ đã đến lúc tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
Nguồn bài dịch: https://www.verywellmind.com/the-importance-of-a-childs-social-identity-1066758
Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments