Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:
Luyện tập yoga mới nhìn vào thật nhàm chán đối với những người ưa thích vận động thể chất mạnh và năng động hơn. Tôi cũng có một cái nhìn phiến diện như vậy khi bỏ qua lớp yoga mà đi đăng ký học lớp Bollywood dance ở trung tâm khi muốn luyện tập một chút cho cơ thể. Tuy nhiên tôi lại là đứa lóng ngóng và không nhớ rành rọt các động tác múa nhất trong lớp. Thật là nản chí khi không làm chủ được các chuyển động của cơ thể nên tôi đâm ra căng thẳng và càng quên bài, chân tay càng vụng về lóng ngóng hơn. Thật may cho tôi là giáo viên dạy múa cũng biết tập yoga nên hướng dẫn cả lớp tập vài động tác yoga để thư giãn giữa giờ.
Quả thật đáng ngạc nhiên chỉ trong vài phút ngắn ngủi cả cơ thể lẫn tâm trí tôi giãn ra, đầu óc tỉnh táo, tập trung và bình yên hơn. Nó cứ như thể bạn vừa được ngâm trong suối nước nóng và sảng khoái, tươi mới trở lại và tâm trạng phấn chấn hơn. Tôi thật sự bất ngờ vì cảm thấy mình ghi nhớ và thực hiện các chuyển động múa tốt hơn (dù phải thật lòng là nếu bạn ở ngoài quan sát thì cũng chỉ thấy một đứa loay hoay vật vã với tay chân cơ thể mà thôi). Và trải nghiệm đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần nên bây giờ tôi tin chắc rằng tập đúng yoga sẽ mang lại sự hòa hợp, bình an cho cơ thể và tâm trí.
Vì có trải nghiệm bình an tâm trí với yoga nên tôi tin là Liệu pháp Yoga (Yoga therapy) sẽ hiệu nghiệm và hữu ích cho người thực hành liệu pháp này. Bài viết sau sẽ giới thiệu với các bạn về Liệu pháp Yoga cũng như lợi ích khi thực hành liệu pháp này với đúng người hướng dẫn và đúng cách.
Liệu pháp Yoga (Yoga therapy) là một loại trị liệu sử dụng các tư thế yoga, các bài tập thở, thiền, và hình ảnh có định hướng để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Trọng tâm tập trung của liệu pháp Yoga (Yoga therapy) nhằm thúc đẩy sự hợp nhất của tâm trí, cơ thể và tinh thần. Liệu pháp yoga hiện đại bao gồm rất nhiều các phương thức trị liệu, kết hợp các yếu tố từ cả vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu.
Những vấn đề được điều trị bằng liệu pháp Yoga
Liệu pháp Yoga (Yoga therapy) là một lĩnh vực đang phát triển và các bằng chứng khoa học đã bắt đầu nhấn mạnh được sự hiệu quả của nó. Phương pháp này được sử dụng để điều trị các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần hiện có, nhưng cũng có thể được sử dụng như một chiến lược tự chăm sóc bản thân để phòng ngừa và duy trì sức khỏe.
Liệu pháp Yoga (Yoga therapy) được xây dựng như một phương thức điều trị cho những cảm giác phiền muộn hay lo âu. Một phân tích tổng hợp được trích dẫn trong Chương trình chăm sóc chính yếu dành cho những bệnh nhân rối loạn CNS cho thấy liệu pháp Yoga (Yoga therapy) hứa hẹn những tích cực cho việc điều trị căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia). Ngoài ra, các nhà trị liệu yoga đã bắt đầu phát triển các phương thức điều trị để phù hợp với cả trẻ tự kỷ. Cuốn sách Yoga trị liệu cho trẻ em mắc chứng tự kỷ và nhu cầu đặc biệt, được viết vào năm 2013 bởi giáo viên yoga Louise Goldberg, đã được coi là một văn bản quan trọng cho người mới và cả các nhà trị liệu yoga đã có kinh nghiệm.
Theo một bài báo năm 2012 trên tạp chí Social Work Today, liệu pháp Yoga (Yoga therapy) cũng đang nổi lên như một phương pháp điều trị hiệu quả cho các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần chỉ ra cách mà yoga tác động tích cực đến các phần của tâm trí và cơ thể dễ bị nghiện. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng yoga làm tăng chất dẫn truyền thần kinh GABA (axit gamma-aminobutyric), điều này rất quan trọng vì nồng độ GABA thường thấy có mức thấp ở những người lạm dụng chất gây nghiện, lo âu và phiền muộn.
Do tập trung vào sự hợp nhất của tâm trí và cơ thể, liệu pháp Yoga (Yoga therapy) cũng được sử dụng để giải quyết rất nhiều các vấn đề về sức khỏe thể chất khác. Phương pháp này đã được sử dụng hiệu quả để điều trị chứng đau lưng, bệnh tim, hen suyễn, mệt mỏi mãn tính, tăng huyết áp, đa xơ cứng và các tác dụng phụ của hóa trị.
Thực hành và những lợi ích của liệu pháp Yoga
Liệu pháp Yoga (Yoga therapy) được thực hành dưới rất nhiều dạng khác nhau. Ví dụ như các nhà trị liệu vật lý, thường thực hiện các kỹ thuật yoga để ứng dụng trong việc xoa bóp và các phương pháp điều trị khác. Thực hành liệu pháp Yoga (Yoga therapy) có thể giống với vật lý trị liệu, liệu pháp phục hồi chức năng, và/hoặc tâm lý trị liệu. Không giống những lớp học yoga thông thường, các buổi trị liệu Yoga thường được thiết kế 1-1 hoặc chỉ một nhóm nhỏ thôi. Liệu pháp Yoga (Yoga therapy) có thể xem như một phương thức bổ trợ để bổ sung cho các hình thức điều trị khác, hoặc có thể được sử dụng trực tiếp để xử lý một vấn đề cụ thể nào đó. Các kỹ thuật Yoga có từ cơ bản cho đến nâng cao, và có thể được yêu thích bởi mọi lứa tuổi.
Lợi ích tiềm năng của liệu pháp Yoga (Yoga therapy) bao gồm: giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe tâm lý, cải thiện chế độ giảm cân, và tăng cường hoạt động hiệu quả của các hệ cơ quan trong cơ thể. Một nghiên cứu định tính năm 2011 từ Inkanyiso: Tạp chí Khoa học và Xã hội Nhân văn đã nghiên cứu tác động của liệu pháp Yoga (Yoga therapy) đối với chứng lo âu. Kết quả không chỉ cho thấy liệu pháp Yoga (Yoga therapy) có hiệu quả làm giảm bớt sự lo âu mà còn cải thiện một số khía cạnh của sức khỏe thể chất và tinh thần bao gồm thể dục, thư giãn và chánh niệm.
Lịch sử của liệu pháp Yoga
Liệu pháp Yoga (Yoga therapy) bắt nguồn từ thực hành yoga cổ xưa, bắt đầu từ hàng ngàn năm trước ở Ấn Độ. Yoga đã đến Hoa Kỳ vào cuối những năm 1800, nhưng liệu pháp Yoga (Yoga therapy) đã xuất hiện một cách chính thức vào những năm 1980 như là kết quả của một nghiên cứu được tiến hành bởi Tiến sĩ Dean Orquer. Nghiên cứu đã minh họa cách thực hiện một chương trình lối sống lành mạnh có thể đảo ngược bệnh tim. Chương trình Ornish bao gồm yoga trị liệu và là chương trình đầu tiên làm nổi bật những lợi ích của việc sử dụng yoga theo cách này. Chương trình điều trị bệnh tim này đã được phê duyệt bảo hiểm vào năm 1990 và nó đánh dấu sự khởi đầu cho sự chấp nhận yoga như là một lựa chọn điều trị của lĩnh vực y tế.
Năm 1983, Biomedical Yoga Trust được thành lập để tiếp tục phát triển và chuẩn hóa lĩnh vực trị liệu yoga. Hiệp hội Các nhà Trị liệu Yoga Quốc tế (IAYT) được thành lập năm 1989 và kể từ đó đã tổ chức các hội nghị yoga, xuất bản Tạp chí của Hiệp hội Các nhà Trị liệu Yoga Quốc tế, và góp phần tạo ra các tiêu chuẩn đào tạo trị liệu yoga. Cả hai tổ chức đã tạo điều kiện nghiên cứu để khám phá mức độ tiềm năng của liệu pháp Yoga (Yoga therapy).
Những kỳ vọng từ liệu pháp Yoga
Khi một người quyết định bắt đầu trị liệu yoga, trước tiên, nhà trị liệu sẽ tiến hành đánh giá ban đầu. Đánh giá này được thiết kế nhằm:
Xác định các vấn đề sức khỏe
Đánh giá lối sống và năng lực thể chất
Thảo luận lý do cần tìm liệu pháp
Lên phác đồ điều trị
Khi kế hoạch điều trị được xây dựng trong lần tư vấn đầu tiên này, tần suất của các phiên trị liệu sẽ được thống nhất và lên lịch. Từ thời điểm này, các buổi trị liệu rất có thể sẽ bao gồm các thành phần sau:
Các bài tập thở (Prayanama): Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn người được trị liệu một loạt các bài tập thở khác nhau, từ hơi thở tràn đầy năng lượng đến hơi thở cân bằng.
Tư thế vật lý (Asana): Nhà trị liệu sẽ dạy người được điều trị các tư thế yoga phù hợp để xử lý từng vùng có vấn đề. Ví dụ, tư thế gác chân lên tường (Legs up the wall - Viparita Karani) được sử dụng để điều trị những thứ như lo âu và mất ngủ. Ở tư thế này, người được điều trị nằm ngửa với hai chân khép duỗi thẳng lên tường.
Thiền: Thư giãn và chánh niệm là trọng tâm của thiền khi kết hợp với các tư thế yoga.
Hình ảnh có định hướng: Nhà trị liệu yoga cố gắng làm dịu cơ thể và tâm trí bằng cách cung cấp một hình ảnh có định hướng nhằm mục đích mang lại sự bình an nội tâm.
Bài tập về nhà: Một yếu tố quan trọng đối với bất kỳ bài thực hành yoga nào là tìm cách kết hợp nó vào cuộc sống hàng ngày. Các nhà trị liệu yoga cung cấp hướng dẫn về cách sử dụng những gì đã được học trong điều trị tại nhà.
Ai có thể cung cấp liệu pháp Yoga?
Danh hiệu chuyên nghiệp nổi tiếng nhất để xác nhận một nhà trị liệu yoga đó là Chứng nhận Nhà trị liệu Yoga (Certified Yoga Therapist) hay CYT. Tuy nhiên, vì lĩnh vực trị liệu yoga còn khá trẻ, không có quy trình chứng nhận tiêu chuẩn, chính thức nào tồn tại. Tuy nhiên, có nhiều tổ chức và chương trình giáo dục được IAYT công nhận cung cấp chương trình đào tạo và chứng nhận. Một số chương trình đào tạo chất lượng bao gồm:
Integrative Yoga Therapy
American Viniyoga Institute
Essential Yoga Therapy
Phoenix Rising Yoga Therapy
YogaLife Institute
Bất kỳ chương trình đào tạo nào được công nhận bởi Hiệp hội Trị liệu Yoga Quốc tế (IAYT)
Mặc dù khác nhau về giáo dục và kinh nghiệm, nhưng hầu hết các nhà trị liệu yoga được đào tạo tốt đều có một nền tảng kiến thức vững chắc về:
Triết lý, kỹ thuật và giáo dục Yoga
Kỹ thuật yoga trị liệu
Giải phẫu học và sinh lý học
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng
Hiểu biết cơ bản về chăm sóc y tế và sơ cứu
Hiểu biết cơ bản về đạo đức kinh doanh
Khi quyết định lựa chọn một nhà trị liệu yoga, điều quan trọng là bạn phải biết rằng có rất nhiều loại. Một số là giáo viên yoga, các yogi và các đạo sư trong khi những người khác là nhà tâm lý trị liệu, nhà tâm lý học và nhà trị liệu vật lý. Trang web Tạp chí Yoga khuyến nghị ta nên tìm kiếm các lời giới thiệu truyền miệng và các phòng tập yoga. Điều quan trọng nhất là tìm một nhà trị liệu có kinh nghiệm và được đào tạo vững chắc, và với ai bạn có thể phát triển mối quan hệ trị liệu tích cực.
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
Người dịch: Trang ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comentarios