Tại sao một vở nhạc kịch nuôi dưỡng ảo tưởng của người phương Tây về người châu Á nhỏ bé, yếu đuối và nhu nhược vẫn ăn khách đến như vậy?
Bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Việt trên The New York Times, chuyên mục "Opinion" (Quan điểm) - Nguyễn Thanh Việt là một tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt, tác phẩm đầu tay của ông là The Sympathizer, tác phẩm đã giành giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 2016. Dưới đây là quan điểm của tác giả.
Vở nhạc kịch “Miss Saigon” được tái hiện lại trên sân khấu và lưu diễn một lần nữa, công diễn tại nhà hát gần nơi tôi ở. Đây là tin tức làm những người hâm mộ nhạc kịch Broadway háo hức vui mừng, cũng là tin vui cho những diễn viên châu Á hay diễn viên Mỹ gốc Á, với cơ hội giành được những vai quan trọng. Tuy nhiên, với những người khác, những người cho rằng vở “Miss Saigon” bồi đắp thêm cho quan điểm thâm căn cố đế về người châu Á thấp kém thì đây chính là tin tức thảm hại.
“Miss Saigon” là vở nhạc kịch về một cô gái điếm ở Sài Gòn trong suốt những năm chiến tranh đã rơi vào lưới tình với một lính Mỹ da trắng. Anh ta rời đi, trở về Mỹ mà không hề biết rằng cô gái ấy đã mang thai. Cô sinh ra một bé trai và khi anh ta quay lại, cô trao đứa trẻ lại cho cha nó để anh bảo bọc đứa trẻ và đưa nó sang Mỹ, thoát ly khỏi Việt Nam càng xa càng tốt. Còn lại một thân một mình, cô gái điếm ấy đã tự sát.
Tôi xem vở nhạc kịch này ở thành phố New York vào năm 1996, mua vé ở hàng thứ tư, đó là một khoản chi hoang phí đối với một sinh viên tốt nghiệp sống nhờ vào nguồn thu còm cõi. Trong suy nghĩ nghiêm túc lý tưởng của tôi, tôi đã tin rằng nên xem kỹ tác phẩm trước khi phê bình nó. Nhưng cái đáng nói chỉ là những thứ lắm lúc thể hiện trên gương mặt được hoá trang thành da vàng của họ.
Bao xung quanh tôi, khán giả đều khóc thương cho chuyện tình bi thảm. Tôi thì thấy chán chường. Tôi không thể nào không nghĩ về việc làm sao mà vở “Miss Saigon” lại phỏng theo vở opera “Madama Butterfly” của nhà soạn nhạc kịch người Ý Giacomo Puccini, trong khi vở đó lấy bối cảnh ở Nhật Bản. Trong câu chuyện nổi tiếng đương thời của Puccini, tình yêu với muôn trùng cách trở nảy sinh giữa một người phụ nữ Nhật và một người đàn ông da trắng, họ cùng nhau hiện thực hóa cách ngôn của Rudyard Kipling: ”Phương Đông là phương Đông mà phương Tây là phương Tây và sẽ chẳng bao giờ hai thái cực này hòa hợp được với nhau”. Bởi vì phương Đông và phương Tây thì trái ngược nhau hoàn toàn, những người yêu nhau phải cam chịu số phận nghiệt ngã. Hay nói một cách chính xác hơn, một người trong số họ phải cam chịu duyên số cay đắng - mà trong tình huống này, là người phụ nữ Nhật Bản ấy. Hạnh phúc được nhìn thấy con mình sẽ sống một cuộc sống tươi đẹp hơn ở trời Tây, cô ta đành nhận lấy cuộc đời trống rỗng hẩm hiu cho riêng mình.
Nhà soạn kịch David Henry Hwang đã cho thấy điều phi lý của câu chuyện này. Vở “M. Butterfly” của ông ấy vẫn có lặp lại tình tiết chung như nguyên bản và nó xuất hiện trước “Miss Saigon”. Trong sự chế nhạo cùng cực vở “Madama Butterfly’s” về việc đã làm thỏa mãn niềm khao khát và cái ảo tưởng của người đàn ông da trắng, ông ấy đảo nghịch vai trò của kẻ đi quyến rũ và người được quyến rũ. Trong vở kịch của Hwang, nhân vật người đàn ông da trắng, Gallimard - một nhà ngoại giao người Pháp, bị lừa bởi Song Liling - một cô ca sĩ kinh kịch xinh đẹp người Trung Quốc (cũng chính là nữ chính diễn vai Madama Butterfly).
“Nàng sẽ nói gì nếu một vị 'nữ hoàng' tóc vàng hồi hương rơi vào lưới tình với một doanh nhân Nhật Bản thấp bé?”. Song Liling nói: “Anh ta đối xử với cô ấy tệ bạc, sau đó về trở quê hương khoảng ba năm, trong suốt thời gian đó cô ấy cầu nguyện với tấm hình của anh ta và từ chối lời cầu hôn của chàng Kennedy trẻ tuổi. Sau đó, khi cô ấy hiểu ra rằng hắn ta đã tái hôn, cô ấy đã tự vẫn. Thế đó, em tin anh có thể sẽ nghĩ rằng cô gái này là kẻ điên khùng loạn trí, đúng không nào? Nhưng bởi vì, trong tình huống này, đó lại là một cô gái phương Đông tự kết liễu đời mình vì một người đàn ông phương Tây - Đó! Anh đã thấy điều đẹp đẽ rồi chứ?.”
Tuy nhiên, hóa ra Song Liling không phải là phụ nữ (mà là một người đàn ông giả nữ - dựa trên câu chuyện có thật giữa Bernard Boursicot & Thời Bội Phác). Ảo tưởng của Gallimard là sự huyễn hoặc chung của phương Tây về phương Đông, ở khía cạnh phụ nữ châu Á đại diện cho tính cách chung của châu Á - là nữ tính, yếu đuối, cần một cánh tay mạnh mẽ để cứu thoát khỏi tính gia trưởng áp bức Á Châu. Sự trả ân tình cứu giúp được người phụ nữ châu Á xem trọng đến mức cô ấy sẽ làm bất chấp mọi thứ, kể cả tự sát chỉ vì hàm ơn người cứu sống cô ấy. Nhà soạn kịch Hwang chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa những ảo tưởng cá nhân, sự huyễn hoặc chung của phương Tây với hành vi của người Mỹ đối với chiến tranh ở Việt Nam. Sai lầm lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh là nghĩ giống như Gallimard, cứ cho rằng người châu Á thì nhỏ bé, yếu ớt, ẻo lả dễ bị khuất phục bởi sức mạnh nam tính mạnh mẽ của phương Tây.
Những người khó chịu với những lời chỉ trích về sự phổ biến bấy lâu nay của vở “Miss Saigon” sẽ nói “Đó chỉ là một vở nhạc kịch, có gì đâu”. Nhưng việc thích thú với cái mộng tưởng của vở kịch mới chính là lý do tại sao vở kịch gây ra vấn đề. Ảo tưởng không thể tan biến chỉ vì nó mang tính giải trí, đặc biệt là khi chúng ta tiếp tục lặp đi lặp lại cái ảo tưởng đó. Mộng ảo huyễn hoặc - và chính sự thích thú của chúng ta đối với chúng - nói lên điều trong thâm tâm chúng ta muốn tin. Niềm yêu thích về vở kịch này dựa trên cái đặc quyền khán giả muốn cảm thấy như vậy, đặc quyền không phải ở vị thế người phụ nữ tự sát kia. Nó dựa trên cơ sở cái đặc quyền muốn nhìn thế giới với quan điểm của vị cứu tinh - người đàn ông da trắng quyền lực kia - người mà có đủ cả sự hấp dẫn quyến rũ khiến một người phụ nữ tự vẫn vì anh ta và có đủ cả tính trách nhiệm làm cha đến độ có thể nhận nuôi một đứa con lai đại diện cho những người châu Á ngây ngô cần sự dẫn dắt nhân từ của người phương Tây.
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính không phải là không mâu thuẫn với nghệ thuật, theo cách thức Chinua Achebe thể hiện sự chỉ trích về tiểu thuyết “Heart of Darkness” của nhà văn Joseph Conrad là phân biệt chủng tộc. Sự thích thú của chúng ta về một tác phẩm nghệ thuật không có nghĩa là tác phẩm đó không hề có sự phân biệt chủng tộc hay phân biệt giới tính, hoặc sự yêu thích của chúng ta không bắt nguồn từ những hình ảnh mang tính xúc phạm sâu sắc đến người châu Á và phụ nữ châu Á. Cái nghịch lý đáng lo ngại ở đây là chúng ta có thể thực sự yêu và khát khao những người mà ta nhìn nhận họ theo những phương diện hoàn toàn phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Điều đó là thực tế, sự thật phổ quát ngoài ý muốn của vở “Miss Saigon”.
Vậy thì vở “Miss Saigon” cần bị kiểm duyệt hay cấm diễn không? Câu hỏi này đánh lạc hướng chúng ta khỏi câu trả lời đáng ra nên có, do bởi kiểm duyệt hay cấm diễn chỉ giải quyết phần nào đó sự bất bình đẳng của Broadway và Hollywood mà thôi. Có lẽ là những người ghét cay ghét đắng vở nhạc kịch này sẽ chẳng buồn lòng làm gì, nếu như có những câu chuyện khác khắc họa nhiều khía cạnh tính cách của người châu Á hay người Việt Nam hơn. Nếu có cả hàng ngàn câu chuyện trên sân khấu và trên màn hình về chủ đề này - hoặc chí ít chỉ có một tá câu chuyện, với những góc nhìn khác thôi thì chúng ta cũng có thể bỏ qua cho vở “Miss Saigon”.
Vào năm 1993, không lâu sau khi Broadway công diễn lần đầu vở nhạc kịch “Miss Saigon”, nhà văn Jessica Hagedorn đặt tiêu đề cho tuyển tập văn học về người Mỹ gốc Á của cô là “Charlie Chan Is Dead”. Charlie Chan, thực sự, đã chết rồi. Bây giờ, tới lượt “Miss Saigon” cũng nên “chết” đi thôi.
Người dịch: Lê Anh Đào ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Comments