Liệu pháp nhóm không còn là phương pháp xa lạ ở các nước phương tây. Nó có thể giúp mọi người cải thiện sức khỏe tinh thần. Liệu pháp nhóm bao gồm: ít nhất một chuyên gia sức khỏe tinh thần và nhiều hơn hai người trong một buổi gặp gỡ. Nhiều người sử dụng nó nhằm đề cập đến một vấn đề sức khỏe tinh thần cụ thể. Động lực nhóm thường giúp con người cảm thấy được cổ vũ khi họ muốn cải thiện sức khỏe tinh thần. Nếu mục tiêu của bạn là phát triển, trau dồi các kĩ năng xã hội, hoặc một điều gì đó khác, liệu pháp nhóm có thể giúp bạn đạt được điều đó.
Liệu pháp nhóm dành cho những ai?
Trị liệu nhóm có thể giúp con người vượt qua trở ngại và đạt được mục tiêu. Đôi khi, một nhà trị liệu có thể gợi ý liệu pháp nhóm dựa trên các cách điều trị khác. Đây là một sự lựa chọn tốt cho cá nhân hoặc củng cố niềm tin cho họ. Những nhóm trị liệu có khả năng giúp ích cho những người có sức khỏe tinh thần yếu, khi họ gặp khó khăn trong việc trải qua cuộc sống thường ngày.
Hay một số người khác tuy không có những vấn đề cấp bách nhưng vẫn mong muốn được luyện tập hoặc động viên tinh thần. Họ cũng có thể được hưởng lợi từ liệu pháp nhóm. Một vài chủ đề được đề cập trong liệu pháp nhóm bao gồm:
Sự nghiện ngập
Bạo lực gia đình hoặc ngược đãi
Vấn đề ly hôn
Lo âu
Những vấn đề giao tiếp
Việc nuôi dạy con
Các vấn đề về ăn uống
Kiểm soát cơn giận
Nỗi đau và sự mất mát
Tuy nhiên liệu pháp nhóm có thể không phải là sự lựa chọn hàng đầu trong trị liệu. Vì một số người sẽ rất khó khăn khi phải chia sẻ thông tin cá nhân trong một nhóm bố trí sẵn, đặc biệt trong giai đoạn ban đầu trị liệu.
Quy tắc của liệu pháp nhóm trong điều trị
Nhiều người sử dụng liệu pháp nhóm bên cạnh việc uống thuốc, trị liệu cá nhân, hoặc những dạng chăm sóc khác. Bạn có thể cảm thấy nghi ngờ khi điều trị trong một căn phòng toàn người lạ. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều lợi ích khi tham gia trị liệu nhóm.
Những thành viên của một nhóm có thể cung cấp lời khuyên về cách để đương đầu với hoàn cảnh mà nhiều người trong nhóm cảm thấy vô cùng thử thách. Họ cũng có thể giúp đỡ cứu trợ xã hội trong những lúc khó khăn. Tính đa dạng khi thiết lập một nhóm có thể giúp mọi người tìm ra những chiến lược mới để duy trì sức khỏe tinh thần ở trạng thái tốt. Đồng thời, lắng nghe người khác chia sẻ về những kinh nghiệm cá nhân có thể giúp bạn đặt những suy nghĩ riêng của mình vào thực tế. Liệu pháp nhóm cũng giúp an ủi mọi người bằng cách để cho họ nhận ra rằng mình không hề đơn độc.
Liệu pháp nhóm không giống với nhóm tự lực (self-help group - là nhóm ngang hàng bao gồm những người có các khó khăn/vấn đề giống nhau cùng hỗ trợ nhau mà không có nhà trị liệu tham gia vào) hay nhóm hỗ trợ ̣(support group). Sự khác biệt chính ở chỗ mỗi buổi gặp gỡ liệu pháp nhóm được dẫn dắt bởi ít nhất một nhà trị liệu có đủ chuyên môn. Trong suốt buổi, nhà trị liệu dẫn dắt nhóm dựa trên những phương pháp được nghiên cứu. Những loại nhóm khác không được coi là trị liệu nhóm, khi không thể đảm bảo một nhà trị liệu đủ chuyên môn sẽ được trình diện để giảng dạy về các khái niệm, kỹ năng và sự thực hành ở trình độ tiêu chuẩn.
Nhóm giáo dục sức khỏe tâm thần (Psychoeducational) với nhóm định hướng xử lý (Process-oriented)
Có rất nhiều dạng trị liệu nhóm khác nhau, nhưng đa phần chúng được chia thành hai cách tiếp cận. Đó là liệu pháp nhóm giáo dục sức khỏe tâm thần và liệu pháp nhóm định hướng xử lý.
Các nhóm giáo dục sức khỏe tâm thần cung cấp cho những thành viên thông tin về các vấn đề cụ thể. Họ giảng dạy các kĩ năng đối phó lành mạnh. Các nhóm này được giảng dạy bởi một chuyên gia trị liệu – người mà có thể chỉ đạo các buổi họp và thiết lập những mục tiêu. Mối liên kết giữa các thành viên không quá quan trọng, vì nhà trị liệu cung cấp hầu hết nội dung thông qua giảng dạy. Trong loại liệu pháp nhóm này, nhà trị liệu đảm nhận vai trò của một giáo viên.
Nhóm định hướng xử lý tập trung vào trải nghiệm nhóm. Trong khi nhà trị liệu dẫn dắt cuộc thảo luận, họ biểu hiện như là một người hướng dẫn (facilitator) hơn là người giảng dạy. Họ thận trọng để không trở thành trung tâm của sự chú ý. Thành viên trong nhóm tham gia bằng cách tiến hành các cuộc thảo luận và hoạt động nhóm. Chia sẻ trong các loại hoạt động này có thể dẫn tới cảm xúc thoải mái và gia tăng sự tự tin vào bản thân. Trong liệu pháp nhóm định hướng xử lý, nhóm chịu trách nhiệm về buổi họp của mình.
Một vài người mong muốn nâng cao các kĩ năng như nuôi con, khả năng chăm sóc, hoặc kiềm chế sự căng thẳng. Họ có thể nhận được lợi ích từ liệu pháp nhóm giáo dục sức khỏe tâm thần. Một số khác tìm kiếm sự phát triển cá nhân để đối phó với một bước chuyển biến trong cuộc đời, ví dụ như ly dị, nghỉ hưu hoặc sự già đi - những cá nhân dạng này có thể nhận được sự giúp đỡ của liệu pháp nhóm định hướng xử lý.
Một buổi trị liệu nhóm điển hình
Liệu pháp nhóm thường được dẫn dắt bởi một hoặc hai nhà trị liệu đã được đào tạo để dẫn dắt những nhóm trị liệu. Quy mô của một nhóm có thể nằm trong khoảng từ 6 đến 12 thành viên. Trong khi các nhóm có thể nhỏ hoặc lớn, động lực nhóm có thể trở nên kém hiệu quả hơn trong các nhóm lớn hơn 12 thành viên.
Tiêu biểu, các nhóm gặp gỡ trong 1-2 giờ mỗi tuần và đề cập các nỗi lo lắng rõ ràng được chia sẻ bởi các thành viên trong nhóm. Số lượng tối thiểu của các buổi họp được khuyến nghị thường là 6 thành viên, nhưng nhiều người có mặt trong suốt cả năm. Trị liệu nhóm có thể được tổ chức ở rất nhiều môi trường đa dạng, ví dụ như nhà văn hóa, văn phòng trị liệu, bệnh viện, thư viện, nhà của thành viên hoặc nhà thờ. Một vài người tham gia trị liệu cá nhân và cả trị liệu nhóm. Những người đã nhận được sự chữa trị sức khỏe tinh thần trong quá khứ có thể lựa chọn chỉ tham gia vào trị liệu nhóm.
Phần lớn các nhóm gặp gỡ trong một căn phòng yên tĩnh với những chiếc ghế đã được sắp xếp để đảm bảo rằng mỗi người đều có thể nhìn thấy những người khác. Mở đầu, các thành viên có thể giới thiệu bản thân, thảo luận sự tiến bộ của họ, hoặc chia sẻ lý do họ tham gia vào liệu pháp nhóm. Hoạt động của nhóm phụ thuộc vào tác phong của nhà trị liệu và mục đích của nhóm. Một vài nhà trị liệu lên kế hoạch bài học cho mỗi buổi họp mặt. Những người khác lại có thể đề xướng một phong cách thảo luận tự do hơn.
Các buổi gặp mặt trị liệu nhóm có thể công khai hoặc nhóm kín:
Trong các nhóm công khai, những thành viên mới có thể gia nhập nhóm bất cứ lúc nào.
Trong các nhóm kín, tất cả các thành viên gia nhập cùng thời điểm. Chỉ họ mới có thể tham gia các buổi họp mặt.
Thường sẽ dễ dàng hơn khi tham gia một nhóm công khai, nhưng có thể sẽ mất lâu hơn để các thành viên mới có thể làm quen với các thành viên đã tham gia trước. Các thành viên trong một nhóm kín làm quen với nhau cùng một thời điểm nhưng có thể phải chờ lâu hơn cho đến khi họ có thể gia nhập một nhóm phù hợp với mình.
Các hoạt động trong liệu pháp nhóm
Các hoạt động trong trị liệu nhóm có thể đẩy mạnh sự giao tiếp, niềm tin, và sự phát triển cá nhân. Họ có thể tham gia các hoạt động khuyến khích đối thoại, ví dụ như đọc và chia sẻ những câu chuyện. Hoặc, họ có thể tham gia vào hoạt động có sự tương tác về thể lý, hay các bài tập nhóm. Nếu được áp dụng, các trò chơi để làm quen có thể giúp các thành viên gần gũi với nhau theo một cách thân mật.
Các hoạt động thể chất như nhảy múa hoặc nấu ăn đòi hỏi sự phối hợp cùng nhau để đạt được mục đích. Các bài tập này nhằm mục đích để xây dựng sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Các hoạt động khác ví dụ như vẽ, diễn kịch và chơi nhạc có thể được dùng để thúc đẩy những cách biểu lộ sáng tạo. Trò chơi nhập vai, sự mạo hiểm hoang dã, và các trò chơi khác có thể được dùng để củng cố sự tin tưởng giữa các thành viên. Điều này cũng có thể giúp thành viên phát triển sự tự tin vào bản thân và vào mọi người bên ngoài nhóm trị liệu.
Tận hưởng việc trị liệu nhóm
Liệu pháp nhóm ban đầu có thể gây sợ hãi, nhưng thường nó sẽ trở nên dễ dàng hơn theo thời gian. Người nào càng tương tác sâu sắc với các hoạt động trị liệu nhóm, càng thu nhận được nhiều giá trị của việc trị liệu.
Những người quan tâm tới liệu pháp nhóm có thể trao đổi với một nhà trị liệu hoặc bác sĩ về cách để tìm ra nhóm phù hợp nhất với họ. Các trung tâm y tế và bệnh viện cũng có thông tin về các nhóm sẵn có.
Dựa vào những điều này, có thể giúp ích khi cân nhắc lựa chọn nhóm:
Quy mô nhóm
Các loại vấn đề mà nhóm đề cập đến
Bạn muốn chia sẻ với các thành viên nhóm đến mức độ nào?
Trị liệu nhóm có nên được áp dụng cùng với dạng điều trị khác hay không?
Nhóm kín hay công khai
Là nhóm giáo dục sức khỏe tâm thần hay nhóm định hướng xử lý
Nguyên tắc đạo đức của liệu pháp nhóm
Những thành viên tiềm năng của nhóm có quyền được biết về luật lệ nhóm, mục đích, phương pháp tiếp cận khi lần đầu tiên gặp gỡ nhà trị liệu. Quy tắc về sự bảo mật thông tin nên được thảo luận ngay từ ban đầu.
Tất cả thành viên phải đồng ý tôn trọng sự riêng biệt của các thành viên khác cùng nhóm. Họ cũng phải giữ bí mật nội dung của các buổi họp mặt. Trừ khi được cho phép, không ai được bàn tán về lý lịch cá nhân của thành viên khác với bất cứ ai.
Có một điều quan trọng phải nhớ rằng thỏa thuận về tính bảo mật không phải là tuyệt đối. Những nhà trị liệu, theo luật bắt buộc phải nói với những người có thẩm quyền, nếu các thành viên bộc lộ ý định gây tổn thương bản thân hoặc những người khác (ví dụ tự sát hoặc tấn công người khác).
Một nhóm trị liệu phải duy trì môi trường chuyên nghiệp, có sự tôn trọng và nhân đạo. Họ cần phải ngăn chặn các buổi họp khỏi sự phân biệt, tấn công tình dục, hoặc những hành vi khiến thành viên cảm thấy không thoải mái, phiền nhiễu, hoặc bị đe dọa. Đó cũng là trách nhiệm của nhà trị liệu để đảm bảo các buổi trị liệu nhóm không có sự chỉ trích và hữu ích cho tất cả mọi người trong đó.
Lịch sử của liệu pháp nhóm
Liệu pháp nhóm trở nên phổ biến trong suốt thế chiến thứ 2. Ở thời điểm đó, không có đủ những người hoạt động về sức khỏe tinh thần, để điều trị những vấn đề sức khỏe tinh thần liên quan đến chiến tranh. Tuy nhiên, nghiên cứu về sức mạnh của nhóm đã bắt bầu từ những thập kỷ trước. Vào năm 1895, học giả người Pháp Gustave Le Bon công bố cuốn sách “The Crowd: A Study of the Popular Mind”. Le Bon chia sẻ niềm tin của ông ấy rằng hành vi của một người, sẽ bị ảnh hưởng khi một nhóm thiết lập, nhóm mà họ tham gia vào. Ông quan sát thấy con người trong đám đông từ bỏ những mối quan tâm cá nhân để ủng hộ nhóm và trở nên kém hơn trong việc nhận thức hậu quả của hành động mình gây ra.
Người ủng hộ nổi bật nhất của liệu pháp nhóm hẳn là Irvin Yalom, tác giả của “The Theory and Practice of Group Psychotherapy”. Nghiên cứu của Yalom nhấn mạnh sự ảnh hưởng của trị liệu nhóm đối với con người. Nó đồng thời nhận diện những nhân tố đóng góp trong việc chữa lành trong một nhóm.
Những người khác có đóng góp trong cách tiếp cận này bao gồm Sigmun Freud, Jacob Moreno, Eric Bern và Carl Rogers.
Nguồn tham khảo bài viết gốc:
- Brief interventions and brief therapies for substance abuse. (2012). Substance Abuse and Mental Health Services Administration. Retrieved from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK64947/pdf/Bookshelf_NBK64947.pdf
- Fehr, S. S. (2003). Introduction to group therapy: A practical guide (2nd ed.). Binghampton, NY: Haworth Press.
- Group therapy vs. individual therapy. (n.d.). American Addiction Centers. Retrieved from https://americanaddictioncenters.org/therapy-treatment/group-individual
- Psychotherapy: Understanding group therapy. (n.d.). American Psychological Association. Retrieved from http://www.apa.org/helpcenter/group-therapy.aspx
- Steckl, C. (2014, June 13). Which type of therapeutic group is right for you? Retrieved from https://www.mentalhelp.net/blogs/which-type-of-therapeutic-group-is-right-for-you
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
Người dịch: Phan Hà Chi Người biên tập: Nguyễn Thùy Linh - Phạm Đại Bàng
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Commenti